HÌNH TƯỢNG GẤU TRÚC ĐỎ TRONG BỘ PHIM “TURNING RED”. LIỆU CHÚNG TA ĐÃ ĐỐI MẶT VỚI TUỔI DẬY THÌ CỦA CON TRẺ ĐÚNG CÁCH?

Trong nhiều năm gần đây, giáo dục giới tính dành cho lứa tuổi dậy thì luôn là đề tài được bàn luận sôi nổi trên những phương tiện truyền thông. Chúng ta đều biết rằng sự thay đổi tâm sinh lý hay bản tính tò mò của con trẻ ở độ tuổi dậy thì là những điều vô cùng tự nhiên. Tuy nhiên, liệu các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh các nước châu Á như Việt Nam có thực sự hiểu được con cái mình? Liệu chúng ta đã thực sự đối mặt với tuổi dậy thì của con trẻ một cách đúng đắn?

Nhằm phản ánh câu chuyện tuổi dậy thì của những đứa trẻ châu Á, đạo diễn người Trung Domee Shi cùng hãng phim nổi tiếng Pixar đã cho ra mắt bộ phim Gấu Đỏ Biến Hình (Turning Red) - một bộ phim cực kỳ vui vẻ và dễ thương nhưng cũng để lại cho chúng ta nhiều ngẫm nghĩ. Bộ phim kể về sự đảo lộn cuộc sống của Mei - một cô bé 13 tuổi khi em bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Đối diện với sự chuyển biến này, gia đình Mei, đặc biệt là người mẹ - bà Ming, đều xem đây là một giai đoạn khủng khiếp cần được chôn vùi để rồi từ đó, những mâu thuẫn giữa Mei và gia đình bắt đầu nổ ra. Thông qua một loạt mâu thuẫn và cách nhân vật giải quyết vấn đề, Turning Red đã khắc họa một cách nhẹ nhàng sự bảo vệ sai lệch ở các phụ huynh châu Á trước việc trưởng thành của con cái mình.


GẤU TRÚC ĐỎ - PHÉP ẨN DỤ CHO TUỔI DẬY THÌ

Gấu trúc đỏ thuộc lớp động vật quý hiếm cần được bảo tồn và hiện chỉ đang sinh sống duy nhất tại các vùng Tây Á như: dãy Himalaya, Nê-pan, Ấn Độ, Bu-tan, My-an-ma, phía Nam Trung Quốc. Chúng thường được biết đến với bộ lông rực rỡ nổi bật cùng dáng vẻ tinh nghịch vô cùng đáng yêu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, gấu trúc đỏ là loài động vật đơn độc, chúng không thích tương tác với con người và sẵn sàng vào tư thế chiến đấu nếu cảm thấy bị đe dọa [1]. Trong Turning Red, đạo diễn Domee Shi đã sử dụng hình ảnh gấu trúc đỏ làm phép ẩn dụ cho tuổi dậy thì - khi tất cả thành viên nữ trong gia đình cô bé Mei đều chịu phải lời nguyền hóa thân thành gấu trúc đỏ khi đến tuổi trưởng thành. Tuổi dậy thì chào đón cô bé Mei bằng một “con quái vật” màu đỏ, ẩm ướt và hôi hám - chi tiết được cho là phép ẩn dụ của kỳ kinh nguyệt. Những ngày sau đó, không chỉ có sinh lý, tâm lý của Mei cũng dần bất thường hơn. Cô bé bắt đầu trở nên xa cách với gia đình, xốc nổi, hay giận dữ, và dễ dàng biến thành một chú gấu to lớn sẵn sàng tấn công người khác khi không thể kiềm chế những cảm xúc thất thường của mình.

Đứng trước sự khủng hoảng tuổi dậy thì, Mei may mắn nhận được sự quan tâm của cả gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, gia đình và bạn bè của cô bé lại có những cách nhìn nhận hoàn toàn trái ngược nhau về sự thay đổi này. Nếu bà Ming và những người họ hàng xem chú gấu đỏ là một con quái thú cần được giam cầm, thì những cô cậu bé đồng trang lứa lại xem Mei sau khi biến thành gấu trúc đỏ là một sinh vật cực kỳ đáng yêu và vui nhộn. Chính sự đối lập này đã mở đầu và đồng thời, đẩy mâu thuẫn mẹ-con lên đỉnh điểm.


PHỤ HUYNH BẢO VỆ CON SAI CÁCH - NGUYÊN NHÂN & SỰ TIẾP DIỄN

Theo đạo diễn Domee Shi, cô đang cố gắng xây dựng gia đình Mei khác hoàn toàn những định kiến về bố mẹ châu Á - nghiêm khắc, vô cảm, thao túng cuộc sống con cái để thỏa mãn kỳ vọng bản thân [3]. Cô cho rằng bố mẹ cô, và mọi bố mẹ châu Á khác đều luôn muốn bảo vệ con cái mình khỏi những thứ “điên rồ” trong cuộc sống - những thứ mà họ đều đã trải qua. Tuy nhiên, những áp lực, những quan điểm sai lệch ăn sâu vào tiềm thức dần hình thành nên sự bảo vệ sai lầm đối với con cái.

Theo nghiên cứu, văn hóa châu Á là nền văn hóa đề cao tính cộng đồng. Do đó, những người dân Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung luôn hướng đến sự tôn trọng và công nhận từ xã hội, dẫn đến việc họ quan trọng thể diện hơn hết thảy những mong muốn hay cảm xúc cá nhân [3][4]. Người xem dễ dàng tìm thấy biểu hiện của quan điểm này trong bộ phim “Turning Red” khi Ming liên tục nhắc đến “chú gấu trúc đỏ” như một thứ nhơ nhuốc cần phải che giấu - “không được để ai nhìn thấy con bé trong bộ dạng này”. Bà e dè khi nói chuyện với Mei về kỳ kinh nguyệt đầu đời và theo sát cô bé 24/7 chỉ để đảm bảo cô bé không xảy ra chuyện xấu hổ. Tương tự, bà Ming cũng xem những rung động tình cảm đầu đời của Mei dành cho những chàng trai là thứ kỳ quái, “rác rưởi”. Bà ngăn cản và cấm kị những tình cảm đó vì cho rằng đó là những cám dỗ phá vỡ đi sự ngoan ngoãn ngây thơ vốn có của con gái bà.

KHI SỰ BAO BỌC QUÁ MỨC TRỞ THÀNH CON DAO HAI LƯỠI


Tất cả những phản ứng và hành động kể trên đều xuất phát từ sự quan tâm và bảo vệ của bà Ming dành cho Mei nhưng bà không nhận ra rằng, chính bà mới là người tạo ra cho Mei những sự phiền phức, áp lực và thậm chí là xấu hổ. Trước hết, bà Ming đã không hề thông báo trước cho Mei về sự tồn tại của “gấu trúc đỏ” để lần đầu trải nghiệm của Mei ngập tràn trong sự sợ hãi, hoảng loạn và hoài nghi về bản thân. Mei không được hướng dẫn để thấu hiểu sự thay đổi tâm sinh lý của mình dẫn đến việc cô bé luôn tìm cách kìm nén thay vì học cách dung hòa những bất thường trong cơ thể. Sự kìm nén ấy, cộng thêm việc quan tâm và bảo vệ cứng nhắc từ mẹ đã hình thành tâm lý chống đối, nổi loạn. Cô bé bắt đầu nói dối gia đình, chểnh mảng học hành, tự do buông thả những cảm xúc tiêu cực, và cả làm tổn thương gia đình và bạn bè.

Giáo dục tâm sinh lý là điều cần thiết và gần như là bắt buộc phải làm khi con cái bắt đầu tiến đến tuổi dậy thì nhưng những phụ huynh châu Á vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc trò chuyện về giới tính cùng con mình. Phần lớn người Việt Nam, đặc biệt người sinh sống ở các vùng nông thôn hay miền núi chưa từng có những buổi trò chuyện rõ ràng và nghiêm túc cùng phụ huynh [5]. Hình ảnh nổi loạn của Mei chỉ là một ví dụ rất nhỏ khi thực tế ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, việc thiếu hụt giáo dục giới tính đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn cả về mặt tâm lý và sinh lý của lớp trẻ.

Sự bảo vệ và giáo dục không đúng cách của người lớn đã đẩy sự tò mò về giới tính của con trẻ vượt tầm kiểm soát khi các em tự giải tỏa nỗi tò mò ấy qua những trang mạng không chính thống, tiếp thu những kiến thức không đúng đắn và hình thành những hành động hay tâm lý sai lệch. Theo báo Tuổi Trẻ, mỗi năm có đến khoảng 300.000 đến 400.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Trong đó, các bệnh viện còn ghi nhận vô số trường hợp các em không hề biết bản thân đang mang thai hay mắc các bệnh tình dục vì thiếu hụt kiến thức [7].


GIẢI PHÁP: CẢM THÔNG VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG CON TRẺ TRÊN CON ĐƯỜNG TRƯỞNG THÀNH.

Thực tế đã cho thấy rằng những đứa trẻ xung quanh Mei không hề xem sự thay đổi của cô bé là kỳ quái, ngược lại chúng vô cùng hân hoan và thích thú khi được chơi đùa cùng một Mei hoàn toàn khác. Nhờ sự chào đón nồng nhiệt và ủng hộ từ bạn bè, cuộc sống của Mei trở nên muôn màu muôn vẻ hơn. Cô bé không còn cảm thấy khó chịu hay xấu hổ về sự thay đổi tâm sinh lý mà dần trở nên tự tin về bề ngoài “gấu trúc” vừa dễ thương vừa “ngầu đét” của mình. Thậm chí, cô bé còn cùng bạn bè làm ra được đồng tiền đầu tiên nhờ tận dụng sự đặc biệt này [3]. Với sự ủng hộ và chia sẻ từ những người bạn thân thiết, Mei đã học được cách chế ngự những cảm xúc tiêu cực và phát triển đặc điểm tích cực. Cuối bộ phim, Mei hoàn toàn không bị buộc lựa chọn giữa con người cũ và mới mà cô bé được hỗ trợ và khích lệ để có thể cân bằng giữa hai khía cạnh trong cuộc sống của mình.

Turning Red đã tiếp cận vấn đề giáo dục tuổi dậy thì một cách vô cùng mới mẻ, độc đáo nhưng cũng không kém phần gần gũi. Thông qua bộ phim, chúng ta chợt nhận ra bên trong những con người trưởng thành luôn luôn tồn tại một “chú gấu trúc đỏ” luôn chực chờ bùng nổ. Đôi khi, việc bảo vệ và giáo dục sai cách sẽ trở thành con dao hai lưỡi biến chú gấu ấy thành con “quái vật” thực thụ. Bộ phim cũng đã nêu bật lên được thông điệp rằng: trên con đường trở thành người lớn, những đứa trẻ cần một người bạn đồng hành - người có thể cảm thông, lắng nghe, chia sẻ những sai đúng trong cuộc sống [6]. Từ đó, ta có thể mở ra cho con em mình nhiều cánh cửa để chúng tự lựa chọn con đường đúng đắn nhất cho cuộc đời của chính bản thân.